Đức Phật Dược Sư – Vị thầy thuốc hiểu biết và thông suốt các y dược của thế gian và xuất thế gian, trị được tất cả những trọng bệnh phiền não về thân và tâm của chúng sinh. Cách đây hơn mười căn dà sa có một cõi nước tên là Tịnh Lưu Ly, nơi mà Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là giáo chủ. Trong cõi Phật này, xa vô tận, Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là vị Phật lấy hiệu là thầy thuốc để thể hiện lòng thương xót bằng từ tâm của vị Phật đến chúng sinh còn đau khổ, luôn lấy pháp dược để cứu mọi khổ đau của chúng sinh đang gánh chịu trong sự luân hồi.
Ý nghĩa danh hiệu Đức Dược Sư
“Dược” là thuốc, “Sư” là thầy. Hồng danh của Ngài là Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương. Dược Sư là người thầy thuốc. “Lưu Ly” là một thứ ngọc trong suốt từ trong ra ngoài. Thiền tông có khẩu hiệu “đập vỡ thùng sơn”. Thùng sơn ví thân ngũ ấm của chúng ta. Có phá vỡ thùng sơn thì việc làm của người tu hành mới xong. Bát Nhã Tâm Kinh dạy: “Chiếu kiến năm uẩn đều không, độ thoát hết thảy khổ ách”. Tướng mạo tối đặc như thùng sơn đen là do 2 căn bệnh chính: kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặc là thấy lầm, tư hoặc là nghĩ lầm.
Dùng danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật để trong uống ngoài xoa. Trong uống là mỗi mống niệm vọng tưởng (tư hoặc) liền biết. Biết vọng thì vọng tan. Mỗi khi tham sân si hiện hành liền biết gốc do kiến hoặc. Cần thanh tịnh sáu căn. Đề khởi hai chữ Dược Sư là tự nhắc bổn phận thiết yếu, từng niệm từng niệm giác sát, thanh lọc nơi tâm. Thế là trong uống. Còn ngoài xoa là tin chắc có nguyện lực của Phật hộ niệm. Chúng ta chỉ vì phan duyên, thọ kích thích, tưởng biến hóa, sắc làm mù, năm ấm che lấp khiến tựa hồ như xa cách Phật.
Chư vị Tổ sư từng dạy: “Tâm bình thường là đạo”. Tâm bình thường là Lưu Ly, trong không bị tư hoặc làm mê, không bệnh ngã chấp. Ngoài không bị kiến hoặc đánh lừa, giải thoát pháp chấp.
“Quang” nghĩa là sáng suốt. Sáng đây không phải là ánh sáng mặt trời mặt trăng. Ánh sáng trí tuệ thuộc tinh thần không có hình tướng. Trong khi niệm, nghe âm thanh rõ ràng không mờ, từng tiếng minh bạch là tính giác sáng tỏ. Nếu nghe không rõ, thì hoặc bị hôn trầm, hoặc đã vướng vào một trần cảnh nào khác. Tính nghe chính là tính giác ở khắp pháp giới. Nghe rõ tiếng niệm tức là ngay lúc ấy, ta đã trở về tính thể. Tính này đồng với chư Phật và dĩ nhiên đồng với đức Dược Sư Lưu Ly Quang. Niệm danh hiệu Ngài để tự nhắc tâm mình, tâm Phật vẫn thường trụ ở khắp mười phương không rời nhau.
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Mười phương Như lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn chạy thì mẹ dẫu nhớ có làm gì được. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau quyết định thấy Phật”.
Không nói trong suốt như pha lê mà nói trong suốt như lưu ly, vì ngọc lưu ly màu xanh da trời. Ngửa mặt lên bầu hư không, ta thấy một màu xanh nhè nhẹ. Tìm thể chất thì chỉ có hư không nên Đức Phật dùng màu này tượng trưng những gì huyễn vọng, không thật có. Năm ấm, ngã chấp, pháp chấp, kiến hoặc, tư hoặc … bao nhiêu bệnh hoạn nặng nề của thế gian, dưới con mắt Phật, chỉ là những hoa đốm ở hư không. Cứ chữa khỏi bệnh lóa ở mắt thì hoa đốm sẽ không còn. Cứ tỉnh ra, đừng ngủ mơ nữa thì những giấc mộng cọp vồ, nhà cháy đâu còn. Mặt trời trí tuệ của tất cả chúng sinh bản lai vẫn thường sáng. Chỉ vì chuyên sống với tâm phan duyên, quên tính bản giác mà hóa thành thùng sơn năm uẩn. Nay vâng theo giáo pháp Dược Sư, chuyên trì danh hiệu Phật, sẽ thoát vô minh sinh tử, trở về bản tâm viên quang.
Dược Sư là công dụng. Lưu Ly là thể tịnh. Quang là tính giác. Chữ Vương là hình-dung-từ để hiển công dụng thù thắng, thể thanh tịnh, tính quang minh, mỗi mỗi tuyệt vời.
Đức Phật Dược Sư là 1 trong 3 vị “Hoành Tam Thế Phật” gồm có đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi chính giữa, bên phải là là đức Phật A Di Đà, bên trái là đức Phật Dược Sư. Hoành Tam Thế Phật biểu thị niềm tin của Phật pháp vô biên, ý muốn nói phía Đông nơi mặt trời mọc, tượng trưng cho sự sinh trưởng, phát triển của vạn vật, lấy thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông làm biểu tượng cho sinh trưởng; còn phương Tây là hướng mặt trời lặn, tượng trưng cho sự trở về của vạn vật. Ba vị cùng đứng một chỗ, tức bao dung tất cả sự an lành.
Hãy cùng tụng kinh Dược Sư Bản Nguyện Công Đức để tích luỹ vô lượng công đức, vượt qua những chướng ngại, khó khăn, bệnh tật và khơi dậy, trưởng dưỡng tình yêu thương vô ngã vị tha trong mỗi chúng ta vì lợi ích hết thảy chúng sinh.
Quý vị tải Kinh Dược Sư Bản Nguyện Công Đức tại đây:
http://daibaothapmandalataythien.org/kinh-duoc-su-ban-nguyen-cong-duc
(Nguồn: www.phatgiao.org.vn)