Chào bạn Như Ý thân mến!
Theo truyền thống Phật giáo, mỗi Bồ-tát đại diện cho một hạnh nguyện. Niệm danh hiệu của Bồ-tát là cách để chúng ta học theo công hạnh của các vị Bồ-tát. Điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ đơn thuần niệm danh hiệu của Bồ-tát, mà còn cần lắm quán niệm sâu sắc về hạnh nguyện đó để có thể thực hành theo đúng.
Ví dụ, quán niệm về Bồ-tát Quán Thế Âm: “Kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết rằng chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi đi rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi” (Xem link).
Tương tự, các vị Bồ-tát khác cũng cần được quán niệm về công hạnh của mình. Bạn có thể tuần tự hoặc xen kẽ quán niệm về công hạnh của các Bồ-tát khác, từ Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Văn Thù cho đến Bồ-tát Phổ Hiền.
Điều quan trọng bạn cần lưu ý là hiểu đúng về việc “niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm cho đến khi có tâm từ”. Đây là hai khía cạnh liên quan đến nhau nhưng lại hoàn toàn khác biệt. Để có tâm từ, bạn cần thực hành thiền quán rải tâm từ. Hãy nuôi lớn tâm từ mỗi ngày cho đến khi lòng yêu thương tràn đầy trong tâm hồn. Trong khi đó, niệm về Bồ-tát Quán Thế Âm là để thực hành hạnh nguyện yêu thương vô điều kiện, và từ đó nuôi lớn tâm từ mỗi ngày, hy vọng sẽ có được tâm từ. Chỉ niệm suông danh hiệu (như gọi tên Bồ-tát) thì khó có thể đạt được những đức hạnh của Bồ-tát.
Chúc bạn luôn tràn đầy tinh thần và năng lượng!