Tìm hiểu về vị trí nhân viên hậu cần – logistics
Logistics là một lĩnh vực khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu quy luật của các hoạt động cung ứng, từ đó đảm bảo được các yếu tố vật chất, kỹ thuật, tổ chức,… để quá trình được diễn ra thuận lợi và đúng mục tiêu. Hậu cần logistics có thể được hiểu như là việc có được đúng số lượng cần thiết ở đúng thời điểm và với chi phí phù hợp. Đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, quản lý vòng đời dự án, chuỗi cung cấp và hiệu quả.
Lưu ý khi viết mục tiêu nghề nghiệp logistics
1. Đọc và phân tích kỹ bản mô tả công việc
Bản mô tả công việc (JD) có thể coi là một bản tóm tắt những yêu cầu, chức năng của công việc một cách ngắn gọn và dễ hiểu để giúp ứng viên hình dung được vị trí ứng tuyển. Đọc kỹ bản mô tả công việc sẽ giúp bạn biết được nhà tuyển dụng cần gì và đang tìm gì, từ đó xây dựng được bản CV đúng trọng tâm và yêu cầu họ đưa ra.
2. Hướng tới sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và công ty
Tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn tìm kiếm những nhân sự có thể đem lại lợi ích cho công ty, vì vậy đây là một mục bạn cần lưu ý rất nhiều trong CV của mình. Bản thân ứng viên khi ứng tuyển cũng có những mong muốn riêng của mình, nhưng bạn cần thể hiện được rằng mục tiêu cá nhân cũng có mối liên hệ mật thiết tới định hướng của công ty, đồng thời cho thấy mong muốn được cống hiến và đồng hành cùng sự phát triển doanh nghiệp của bạn.
3. Mục tiêu rõ ràng, cụ thể và không xa rời thực tế
Các nhà tuyển dụng đều đánh giá cao những ứng viên trung thực và thực tế, do đó khi viết mục tiêu nghề nghiệp, bạn nên trình bày những mục tiêu phù hợp với năng lực và bạn có thể nỗ lực để đạt được. Tránh đưa ra những mục tiêu quá xa rời thực tế, không thể thực hiện được hoặc những mục tiêu chung chung, không cụ thể và rõ ràng.
4. Thể hiện được “màu sắc” cá tính của chính mình
Thông thường, những vị trí “hot” sẽ có rất nhiều người cùng ứng tuyển, vậy làm sao để CV của bạn có thể thu hút nhà tuyển dụng giữa một “rừng” hồ sơ như vậy? Đó chính là “màu sắc” cá nhân, những đặc điểm riêng biệt chỉ bạn mới có. Bạn có thể hiện những tính cách, sở thích, phẩm chất của riêng mình vào phần mục tiêu, làm sao để chuyên viên tuyển dụng có thể có được một chân dung khái quát của bạn, từ đó khiến họ nhìn nhận được tiềm năng của bạn và tin tưởng bạn phù hợp với vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp.
5. Đặt mục tiêu nghề nghiệp ở vị trí thu hút trong CV
Như đã nói ở trên, mục tiêu nghề nghiệp là một phần vô cùng quan trọng và được nhà tuyển dụng đặc biệt lưu ý, vậy nên hãy ưu tiên cho mục này ở một phần riêng thật nổi bật trong CV. Khi đưa ra mục tiêu nghề nghiệp, bạn nên trình bày cả mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn rõ ràng và cụ thể.
Mẫu mục tiêu nghề nghiệp logistics hay
Dành cho sinh viên mới ra trường
Mẫu 1:
“Tôi đã tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh với tấm bằng cử nhân xuất sắc. Hy vọng với sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân cùng với sự giúp đỡ của công ty tôi sẽ sớm trở thành một nhân viên logistics và mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp”.
Mẫu 2:
“Là sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi của ngành Kinh doanh quốc tế từ Đại học Ngoại thương, cùng với tính cách năng động, khả năng giao tiếp và đàm phán tốt. Tôi mong muốn được ứng tuyển vào vị trí nhân viên chứng từ của công ty để phát huy những kiến thức chuyên ngành đã được học vào thực tế, cũng như đóng góp vào sự phát triển của công ty trong tương lai.”
Dành cho người có kinh nghiệm
Mẫu 1:
“Với kinh nghiệm 2 năm làm việc ở vị trí nhân viên chứng từ của công ty ABC, mục tiêu trong ngắn hạn của tôi là có thể nhanh chóng tiếp nhận và hoàn thành các công việc được cấp trên đề ra. Mục tiêu xa hơn tôi mong muốn có thêm các kiến thức và kinh nghiệm trong công việc để có thể đảm nhận những vị trí quan trọng hơn trong công ty.”
Mẫu 2:
“Với hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với vị trí nhân viên kinh doanh và nhân viên chứng từ thanh toán quốc tế, tôi tự tin mình thành thạo các nghiệp vụ xuất nhập khẩu, nắm vững các phương thức và công cụ thanh toán quốc tế đang sử dụng. Tôi mong muốn được đa dạng hóa nghề nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu của mình với công việc của một nhân viên thanh toán quốc tế, hướng đến mục tiêu những vị trí cao hơn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong tương lai.”
Mẫu mục tiêu nghề nghiệp logistics theo từng vị trí
Nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu
-
Mẫu 1:
“Tôi là người có kinh nghiệm 3 năm làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu ABC, từng làm việc với nhiều nhà cung cấp, khách hàng, hãng tàu và thành thạo trong việc làm chứng từ xuất nhập khẩu như: Invoice, PO, Packing list, DO và khai báo C/O hàng xuất trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng thực phẩm.
Tôi mong muốn được phát triển nghiệp vụ của một nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu trong một lĩnh vực mới tại công ty ABC để mở rộng thêm kiến thức nghiệp vụ và đạt được mục tiêu trở thành một nhà quản lý chuyên nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong tương lai.” -
Mẫu 2:
“Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh quốc tế của Đại học Thương mại, cùng với tính cách năng động, tỉ mỉ cùng khả năng giao tiếp và học tập tốt, tôi mong muốn được học hỏi kinh nghiệm làm việc với những nhà cung cấp, khách hàng, hãng tàu và thông thạo kỹ năng làm chứng từ xuất nhập khẩu. Sau 1 năm, tôi hướng tới mục tiêu trở thành một nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu chuyên nghiệp và xuất sắc.”
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
-
Mẫu 1:
“Tôi có kiến thức chuyên môn về kinh doanh quốc tế và nắm vững các điều kiện thương mại quốc tế. Tôi mong muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, năng động và thử thách, nơi tôi có thể vận dụng tốt những kỹ năng làm việc của mình với vai trò nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu. Thử thách trong công việc chính là cơ hội để tôi nâng cao kiến thức nghiệp vụ, sự chuyên nghiệp và đạt được mục tiêu vị trí trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu trong 5 năm tới.” -
Mẫu 2:
“Tôi mong muốn có thể áp dụng những kiến thức kinh doanh quốc tế trong điều kiện thương mại quốc tế để hoàn thành những công việc được giao. Đồng thời, mục tiêu của tôi là nâng cao kỹ năng bán hàng và kỹ năng đàm phán, thuyết phục khách hàng, trau dồi kỹ năng ngoại ngữ. Sau 1 năm, tôi hướng tới mục tiêu trở thành một nhân viên phòng kinh doanh chính thức xuất sắc và được cống hiến hết mình cho công ty.”
Nhân viên thanh toán quốc tế
-
Mẫu 1:
“Với hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở vị trí nhân viên chứng từ thanh toán quốc tế, tôi tự tin mình nắm vững các phương thức và công cụ thanh toán quốc tế đang sử dụng (L/C, T/T, D/P, D/A, CAD). Tôi cũng đã đạt được chứng chỉ nghiệp vụ thanh toán quốc tế, hiểu biết về tiêu chuẩn UCP 600 và một số nguyên tắc quốc tế khác trong thanh toán. Tôi mong muốn được vận dụng và phát huy tối đa năng lực bản thân, học thêm nhiều kinh nghiệm làm việc, hướng đến mục tiêu những vị trí cao hơn và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển cao hơn.” -
Mẫu 2:
“Là người có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt cả trong giao tiếp và văn bản, bên cạnh đó còn hiểu biết về tiêu chuẩn UCP 600 và các nguyên tắc khác, tôi tự tin là bản thân có thể thiện nghiệp và hoàn thành tốt công việc được giao trong thời gian ngắn. Trong 2 – 3 năm tới, tôi hướng tới mục tiêu trở thành một trưởng phòng tốt, giúp công ty xây dựng một phòng thanh toán quốc tế chuyên nghiệp và bắt kịp với sự phát triển của thương mại quốc tế.”
Nhân viên thu mua
-
Mẫu 1:
“Tôi mong muốn mình có thể thiết lập được mối quan hệ tốt với các đối tác và tìm ra những giá trị tối ưu nhất cho công ty. Tôi sẽ không ngừng nỗ lực để mang đến cho doanh nghiệp những đối tác tiềm năng mới và đảm bảo được chất lượng đầu vào của sản phẩm tốt nhất với chi phí tối ưu nhất.” -
Mẫu 2:
“Mục tiêu của tôi tại vị trí nhân viên thu mua là có thể cống hiến hết mình cho công ty và xây dựng được nguồn đối tác tiềm năng, ký được nhiều hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước. Trong vòng 3 năm tới, tôi muốn phấn đấu trở thành một quản lý tốt, giúp công ty xây dựng một phòng thu mua chuyên nghiệp và bắt kịp với sự phát triển của xuất nhập khẩu.”
Cách thể hiện mục tiêu nghề nghiệp logistics trong phỏng vấn
Không chỉ trong phần CV mà trong phỏng vấn, các nhà tuyển dụng cũng rất chú ý đến mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên và thường đưa ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung này. Cũng tương tự như trong CV, khi được hỏi về mục tiêu trong phỏng vấn, bạn có thể trả lời mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn của mình.
Mục tiêu ngắn hạn có thể là trải nghiệm công việc mới, môi trường mới, học tập kiến thức và kỹ năng mới để nâng cao bản thân, được hợp tác với những đồng nghiệp xuất sắc, phát triển khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề,…
Mục tiêu dài hạn có thể là trở thành lãnh đạo tài ba, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực logistics, thăng tiến trong sự nghiệp hay có cơ hội rèn giữa bản thân trong môi trường chuyên nghiệp. Ngoài ra, bạn có thể thể hiện mong muốn cống hiến cho doanh nghiệp cũng như mong muốn đồng hành lâu dài cùng công ty, cùng xây dựng tập thể vững mạnh hơn.
Nếu trong CV bạn trình bày mục tiêu theo kiểu liệt kê thành các ý thì trong phỏng vấn, bạn có thể nói về mục tiêu nghề nghiệp thành những câu đại, liên kết với nhau và trình bày một cách tự tin, thể hiện được sự thành thật và nhiệt huyết của mình để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Xem thêm:
- Mẫu mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng thu hút nhà tuyển dụng
- Cách viết mục tiêu nghề nghiệp Marketing ấn tượng trong CV xin việc
- Mẫu mục tiêu nghề nghiệp kế toán ghi điểm với nhà tuyển dụng chi tiết
Bài viết đã giới thiệu cách trình bày mục tiêu nghề nghiệp logistics trong CV và phỏng vấn thu hút, rất mong có thể giúp bạn gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng. Xin cảm ơn đã theo dõi và đừng quên chia sẻ bài viết tới mọi người nhé!