Đã từ rất lâu, người Việt Nam luôn thực hiện tục lệ cúng tế người đã khuất sau khi họ qua đời được 49 ngày. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về tục lệ này, tại sao phải thực hiện giỗ 49 ngày, ý nghĩa của việc cúng thất và những gì cần chuẩn bị. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chủ đề này.
Tại sao cần cúng 49 ngày?
Theo truyền thuyết của Phật giáo, khi người chết trút hơi thở cuối cùng, hồn sẽ lìa khỏi xác. Lúc này, âm hồn phải trải qua một điện lớn ở âm ty và trải qua 7 lần phán xét, mỗi lần kéo dài 7 ngày thành tổng cộng 49 ngày. Sau 7 tuần, tùy theo nghiệp báo khi còn sống, họ sẽ tái sinh vào cảnh giới tương ứng.
Nếu trong thời gian sống, họ làm việc thiện và tu tâm dưỡng đức, sẽ được hóa sanh vào cảnh lành. Ngược lại, nếu chỉ làm điều ác thì họ sẽ hóa sanh vào cảnh khổ. Đạo lý của Phật giáo luôn cho rằng nhân quả luân hồi, những gì mỗi người nhận được ở kiếp này dựa vào phước phần của kiếp trước. Ngoại trừ các bậc đại giác như Đức Phật, Bồ Tát,… đã sớm giác ngộ, thoát khỏi vòng luân hồi thì thế giới còn có những cảnh giới khác tính từ dưới lên trên như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên.
Như vậy trong vòng 49 ngày, âm hồn sẽ phải trải qua thời gian “phán xét” để quyết định việc tái sinh vào cảnh giới nào. Lễ cúng 49 ngày “ra đời” như một cột mốc quan trọng của người chết.
Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày
Đối với những âm hồn đã được phán quyết vãng sanh vào cảnh giới nào sau 49 ngày, lễ cúng 49 ngày là một buổi lễ thể hiện sự tưởng nhớ và tôn kính của người còn sống dành cho họ.
Tuy nhiên, đối với những âm hồn vẫn chưa được quyết định vãng sanh vào cõi giới nào, việc cúng chung thất nhằm tạo phước đức và hướng âm hồn người chết nghĩ đến điều thiện, điều tốt lành. Ngoài ra, gia đình thân quyến của người đã mất còn mong muốn dựa vào sức chú niệm của chư tăng ni để giúp âm hồn người chết sớm được vãng sanh vào cảnh lành.
Do vậy, giỗ 49 ngày vô cùng quan trọng. Thân quyến của người quá vãng phải tổ chức ngày cúng tế nghiêm trang, thành tâm và tránh phạm phải những điều cấm kị.
Lễ cúng 49 ngày cần chuẩn bị những gì?
Người đã chết sau khi hỏa táng hoặc chôn cất sẽ trải qua giai đoạn trung gian, thọ thân trung ấm trong vòng 49 ngày. Âm hồn của họ trong thời gian này vẫn có thể hưởng được những vật phẩm mà thân nhân cúng, nhưng chỉ hưởng được mùi vị của thức ăn. Vì vậy, trong thời gian cúng 49 ngày, gia đình thân quyến cần chuẩn bị kĩ càng, chỉn chu để người đã mất được ăn no, đủ đầy trước khi vãng sanh vào cảnh giới tương ứng với nghiệp báo của họ.
Danh sách lễ vật cần chuẩn bị bao gồm:
- Mâm cơm cúng, hoa, bánh kẹo, trái cây.
- Nhang đèn.
- Tiền vàng từ 15 sấp trở lên.
- Quần áo từ 2 đến 3 bộ cho người đã khuất.
- Bài văn cúng tế.
- Bài văn cúng lễ 49 ngày.
Ngoài những lễ vật đã nêu trên, trong thời gian diễn ra lễ cúng, gia đình thân quyến cần đọc bài văn cúng tế để cầu siêu cho người đã mất. Hoặc trong những ngày cúng tuần thất quan trọng, thân nhân có thể đến chùa thỉnh Chư Tăng về để cúng cầu siêu.
Việc cúng cơm sau 49 ngày?
Sau 49 ngày, âm hồn đã được siêu thoát và thọ sanh vào cảnh giới, không cần chuẩn bị sấm lễ cúng như trước. Tuy nhiên, vào những ngày giỗ hằng năm, cần chuẩn bị mâm cúng giỗ để tưởng nhớ người quá cố. Không nên quá quan trọng hình thức, hãy tâm niệm rằng “lễ bạc nhưng lòng thành”, tưởng nhớ trong tinh thần tri ân và đền ân.
Dù cúng 49 ngày có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh của người Việt, chúng ta hãy nhớ rằng quan trọng nhất vẫn là hành động từ trong lòng và lòng thành của chúng ta, không chỉ trong việc cúng tế mà còn trong sự sống hàng ngày.