Hướng dẫn cắm hoa ngày Tết: Mẹ biết ý nghĩa của việc cắm hoa ngày Tết?

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Không chỉ đánh dấu một năm mới, Tết còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa và tâm linh. Trong những ngày trước Tết, người ta dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để tiễn những điều không vui của năm cũ đi, trang trí và sắm sửa để đón những điều may mắn của năm mới. Trưng hoa là một trong những cách làm cho ngôi nhà trở nên tươi mới và rực rỡ hơn.

Theo dân gian, loại hoa và cách cắm hoa ngày Tết vô cùng quan trọng vì không chỉ thể hiện một năm mới tràn đầy sức sống, hạnh phúc và những điều tốt đẹp, loại hoa còn thể hiện sự mong cầu may mắn đến với gia chủ. Việc chọn hoa và cách cắm hoa ngày Tết là điều mà các mẹ cần quan tâm và học hỏi để bày trí ngôi nhà của mình thật đẹp. Mẹ hãy tham khảo ngay những cách cắm hoa sau đây nhé!

1. Cách cắm hoa ngày Tết với hoa cúc cho mẹ

Mỗi dịp đi chợ Tết, mẹ thường thấy hoa cúc là loài hoa được bày bán nhiều nhất. Hãy cùng tìm hiểu cách cắm hoa ngày Tết với hoa cúc:

  • Mẹ nên chọn những bình hoa cổ cao, trơn hoặc có họa tiết đơn giản.
  • Đổ nước sạch đến khoảng ⅓ bình, cho thêm 1 – 2 viên aspirin vào, khuấy đều cho tan.
  • Chuẩn bị 5 – 10 cành cúc, cắt chéo phần gốc cành khoảng 45 độ để hoa dễ hút nước hơn.
  • Lấy 1 bông cao nhất cắm ở giữa bình.
  • Những bông còn lại, cắt thấp hơn cành trung tâm khoảng 3 – 5cm rồi cắm xung quanh.
  • Tùy vào không gian mà mẹ có thể để bình cúc ở bàn thờ, phòng khách hoặc phòng ăn.

2. Cắm hoa ngày Tết đẹp mắt với nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân là một loài hoa trưng Tết tương đối phổ biến ở miền Bắc. Người ta cho rằng nụ tầm xuân là đại diện của sự may mắn, thịnh vượng. Dưới đây là cách cắm hoa ngày Tết với nụ tầm xuân cho mẹ tham khảo.

  • Mẹ hãy bắt đầu cắt miếng xốp vừa với lòng của bình hoa. Đem miếng xốp đi thấm nước để khi cắm hoa được tươi lâu hơn.
  • Cắm lá trang trí sát miệng bình, cắm thêm vài nhành hoa nhí vào mép miếng xốp.
  • Cắt cành nụ tầm xuân phù hợp với chiều cao của bình. Cắm 1 cành vào giữa miếng xốp, các cành còn lại cắm xung quanh.
  • Sau khi cắm xong, dùng dây ruy băng buộc thành nơ trang trí dưới miệng bình, đồng thời che đi miếng xốp.
  • Các chị em cũng có thể trang trí thêm câu đối nhỏ, quả cầu bình an hay đèn nháy trên cành tâm xuân để nhìn bắt mắt hơn.

3. Cách cắm hoa ngày Tết với hoa lay ơn cho mẹ

Hoa lay ơn có nhiều màu sắc và cũng trưng được khá lâu nên nhiều chị em lựa chọn hoa lay ơn để trang trí ngày Tết. Dưới đây là cách cắm hoa ngày Tết với hoa lay ơn như thế nào? Mời chị em theo dõi nhé:

  • Chuẩn bị 1 chiếc bình cổ cao, độ rộng tùy thuộc vào số lượng hoa.
  • Đổ nước sạch đến khoảng ⅓ bình, cho thêm 1 – 2 viên aspirin vào, khuấy đều cho tan.
  • Bỏ bớt phần lá bên dưới để khi cắm trong nước lá không bị phân hủy gây mùi khó chịu.
  • Cắt 1 góc 45 độ phần gốc cành để hoa dễ hút nước và được tươi lâu.
  • Cắm lần lượt từng bông hoa vào lọ, căn chỉnh để các cành hoa cùng hướng về phía trước, xòe đều hai bên.

4. Cách cắm hoa ngày Tết với hoa cát tường đẹp mắt

Hoa cát tường là một loài hoa có nguồn gốc từ miền Tây nước Mỹ, được du nhập vào Việt Nam và dần trở thành loài hoa trang trí ngày Tết khá phổ biến. Hãy cùng xem cách cắm hoa ngày Tết với hoa cát tường như thế nào nhé:

  • Đổ nước sạch đến ⅓ bình hoa, cho thêm 1 viên aspirin, vitamin B1 hoặc 2 thìa nước cốt chanh để hoa tươi lâu hơn, hạn chế việc hoa bị thối gốc.
  • Cắt 1 cành cát tường với chiều dài gấp đôi chiều cao bình hoa để làm bông trung tâm. Các canh tiếp theo cắt thấp hơn và cắm sao cho hoa tỏa đều xung quanh miệng bình.
  • Trang trí thêm lá cọ để che bớt phần miệng bình. Cắm thêm lá lan chi cho bình bông sinh động hơn.

5. Cách cắm hoa ngày Tết với hoa đồng tiền mix dương xỉ

Hoa đồng tiền đại diện cho sự tươi mới, hứng khởi. Ngoài ra, với cái tên “đồng tiền,” người ta cũng quan niệm hoa đồng tiền tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc. Cùng học cách cắm hoa ngày Tết với hoa đồng tiền sau đây:

  • Chuẩn bị 6 bông hoa đồng tiền, 3 cành chuỗi ngọc, cỏ linh chi, bát/khay đựng hoa, xốp cắm hoa và lá dương xỉ.
  • Ngâm miếng xốp trong nước rồi để vào khay cắm hoa.
  • Dùng lá dương xỉ cắm xung quanh miếng xốp.
  • Cắt 1 bông hoa đồng tiền to và đẹp nhất vào giữa, các bông còn lại cắm xung quanh.
  • Cuối cùng, cắm một vài cành chuỗi ngọc để trang trí thêm.

6. Cách cắm hoa ngày Tết với hoa đào

Trước đây, hoa đào chỉ xuất hiện trong dịp Tết của người miền Bắc. Thời gian gần đây, hoa đào cũng đã được du nhập vào miền Nam và được nhiều người ưa chuộng. Cách cắm hoa ngày Tết với hoa đào khá khác biệt với các loại hoa khác do đặc thù của loài hoa. Thông thường, hoa đào được cắm theo từng cành to, thậm chí là từng gốc, để trong lọ lục bình. Các gia đình có thể trang trí thêm những quả cầu may mắn, bao lì xì hay đèn nháy cho thêm phần sinh động.

Lưu ý: Không để bình hoa đào gần quạt máy vì sẽ làm hoa nhanh rụng.

7. Mẹ tham khảo cách cắm hoa ngày Tết với hoa hồng

Cách chọn hoa:

  • Nên chọn những bông còn nụ hoặc sắp nở, cánh hoa không bị dập.
  • Không chọn những cành hồng có lá bị xoăn hoặc phần thân không được tươi.

Cách cắm hoa với hoa hồng:

  • Chuẩn bị 30 – 35 cành hoa hồng.
  • Bình sứ sậm màu để làm nổi bật màu sắc hoa.
  • Đổ nước sạch vào bình, đến ⅔ bình thì dừng. Cho thêm 1 – 2 viên aspirin để hoa tươi lâu.
  • Hoa hồng bỏ bớt phần lá phía dưới để khi cắm vào không bị phân hủy, làm hôi nước. Cắt phần gốc cành 1 góc 45 độ. Các cành cắt dài ngắn khác nhau sao cho hài hòa.
  • Xếp chéo các gốc hoa theo chiều kim đồng hồ, xếp chồng các cành hoa lên nhau.
  • Giữ chắc bó hoa rồi thả vào bình sứ, lưu ý thả vào sao cho cành hoa không bị đổ nghiên ngả, căn chỉnh lại cho đẹp mắt.

8. Mẹ tham khảo cách cắm hoa ngày Tết với hoa hướng dương

Hoa hướng dương có màu vàng tươi, thể hiện sự sung túc, vui vẻ. Nên cũng rất thích hợp để trưng trong ngày Tết. Dưới đây là cách cắm hoa ngày Tết với hoa hướng dương:

  • Chọn những bông hoa to, đẹp, không bị dập cành, lá còn xanh tươi.
  • Bỏ bớt phần lá ở cuống để không bị thối khi cắm trong bình.
  • Chọn bông hướng dương to nhất cắm giữa bình, sau đó lần lượt cắm những bông còn lại xung quanh.
  • Để bình bông vững chãi hơn, mẹ có thể cho vào bình vài viên sỏi.
  • Có thể trang trí thêm hoa cúc, hoa phi yến để bình hướng dương thêm bắt mắt.

9. Bình hoa ngày Tết đẹp với hoa vạn thọ

Cách chọn hoa:

  • Chọn những bông hoa to, không dập nát, cành còn tươi.
  • Nên chọn những cành có nhiều lá non, còn tươi.
  • Để ý phần gốc cành còn mới.

Cách cắm hoa với hoa vạn thọ:

  • Chọn bình cổ cao, đổ nước sạch đến khoảng ⅓ bình, cho thêm 1 – 2 viên aspirin vào, khuấy đều cho tan.
  • Cắt 1 góc 45 độ phần gốc, tỉa bớt lá để không bị thối khi cắm vào bình.
  • Lấy 1 bông cao nhất cắm ở giữa bình.
  • Những bông còn lại, cắt thấp hơn cành trung tâm khoảng 3 – 5cm rồi cắm xung quanh.

10. Cách cắm hoa ngày Tết với hoa thược dược đơn giản

Hoa thược dược là loại hoa có nhiều màu sắc, cánh hoa và dáng hoa khá đặc biệt có thể trở thành một điểm nhấn trong bình hoa trang trí ngày Tết. Cùng tìm hiểu cách cắm hoa ngày Tết với hoa thược dược:

  • Chuẩn bị bình hoa bằng gốm, rửa sạch, để ráo.
  • Đổ nước vào khoảng ⅓ bình, cho thêm thuốc dưỡng hoa hoặc 1 viên aspirin.
  • Hoa thược dược bỏ bớt lá phần gốc, cắt 1 góc 45 độ.
  • Chọn 3 bông thược dược thẳng đứng, cứng cáp cắm vào giữa bình.
  • Các bông còn lại cắt ngắn hơn 1 chút, cắm vào xung quanh. Căn chỉnh lại cho hài hòa.

11. Bình hoa cẩm chướng ngày Tết đơn giản, đẹp mắt

Tiếp theo là cách cắm hoa ngày Tết bằng hoa cẩm chướng:

  • Chuẩn bị hoa cẩm chướng cùng màu.
  • Bỏ bớt lá phía dưới gốc, cắt 1 góc 45 độ.
  • Đổ nước vào bình sao cho nước ngập cành hoa khoảng 5cm.
  • Cắm lần lượt từng cành cẩm chướng vào bình, điều chỉnh chiều cao của bông vằng cách cắt bớt cành.
  • Chỉnh các cành cẩm chướng bung xòe ra xung quanh.

12. Tham khảo cách cắm hoa ngày Tết – mix cúc đại đóa, lay ơn, lan chi

Chuẩn bị:

  • 10 cành cúc đại đóa vàng
  • 10 cành hoa lay ơn đỏ
  • 2 cành lá lan chi
  • 5 lá trầu bà
  • 5 lá trúc đốm
  • Bình hoa thủy tinh
  • Kéo cắt cành hoa

Cách thực hiện:

  • Đổ nước vào khoảng ⅓ bình, cho thêm thuốc dưỡng hoa hoặc 1 viên aspirin.
  • Cắt cành hoa lay ơn 1 góc 45 độ để hoa dễ hút nước. Các cành hoa nên cắt bằng nhau, chiều cao cành hoa gấp đôi chiều cao của bình là được.
  • Cắm từng cành hoa vào bình, điều chỉnh bông lay ơn theo kiểu rẽ quạt để trông đẹp hơn.
  • Cắt cành hoa cúc sao cho chiều cao thấp hơn hoa lay ơn. Cắm xem kẽ hoa cúc vào bình.
  • Cắm lá lan chi vào giữa bình hoa. Điểm thêm vài lá trầu bà và trúc đốm.

13. Hướng dẫn mẹ cách cắm hoa ngày Tết – mix cúc vàng, huệ ta

Chuẩn bị:

  • Hoa cúc vàng
  • Hoa huệ ta
  • Lá trang trí
  • Bình hoa dáng cao

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị bình hoa bằng gốm, rửa sạch, để ráo.
  • Đổ nước vào khoảng ⅓ bình, cho thêm thuốc dưỡng hoa hoặc 1 viên aspirin.
  • Hoa cúc và huệ ta bỏ bớt lá phần gốc, cắt 1 góc 45 độ.
  • Cắm hoa cúc và hoa huệ ta vào bình, xen kẽ nhau.
  • Trang trí thêm phần lá xung quanh miệng bình.

14. Học ngay cách cắm hoa ngày Tết – mix lay ơn, thiết mộc lan

Chuẩn bị:

  • Hoa lay ơn đỏ hoặc vàng
  • Lá thiết mộc lan
  • Bình gốm hoặc bình thủy tinh
  • Xốp cắm hoa

Cách thực hiện:

  • Cắt miếng xốp to hơn miệng bình 1 chút rồi ngâm vòa nước. Sau đó đặt lên miệng bình, dùng băng keo quấn chặt.
  • Chọn 3 cành hoa lay ơn thẳng nhất cắm vào giữa miếng xốp.
  • Lần lượt cắm các cành còn lại xung quanh với chiều cao thấp hơn, tỏa ra xung quanh.
  • Trang trí lá thiết mộc lan để che bớt phần miếng xốp còn dư.

15. Cách cắm hoa ngày Tết – nụ tầm xuân, hoa baby

Chuẩn bị:

  • Cành nụ tầm xuân
  • Bình hoa cỡ lớn
  • Hoa baby và lá trang trí
  • Xốp cắm hoa, dây ruy băng

Cách thực hiện:

  • Cắt miếng xốp với kích thước vừa với lòng bình hoa. Ngâm nước rồi đặt lên miệng bình.
  • Cắt hoa baby và lá trang trí cắm vào miếng xốp ở sát miệng bình.
  • Chọn cành tầm xuân đẹp nhất cắm ở giữa, các cành thấp hơn cắm xung quanh.
  • Quấn dây ruy băng thành hình nơ xung quanh miệng bình.
  • Treo thêm bao lì xì, quả cầu may mắn để trang trí.

17. Một số kiêng kị mẹ nên lưu ý khi cắm hoa ngày Tết

Ngoài việc tìm hiểu cách cắm hoa ngày Tết sao cho đẹp, các chị em cũng cần lưu ý một số điều kiêng kỵ sau đây:

  • Không cắm hoa giả, hoa nhựa trên bàn thờ ngày Tết lẫn ngày thường.
  • Không nên trưng hoa ly trên bàn thờ: Do tên gọi gợi lên sự chia ly, ly tán.
  • Không dùng phong lan và hoa nhài để trưng trên bàn thờ Phật: Theo quan niệm dân gian, phong lan và hoa nhài là những loài hoa không đứng đắn, nên không được sử dụng để dâng Phật.
  • Không trưng hoa đại, hoa lan móng rồng trên bàn thờ.
  • Không dùng hoa cúc vạn thọ và hoa dâm bụt để trưng bàn thờ.
  • Không trang trí bình hoa trên bàn thờ bằng hoa thủy tiên và hoa phù dung.

18. Đôi lời từ AVAKids

Trên đây là cách cắm hoa ngày Tết với các loại hoa khác nhau và một số lưu ý khi cắm hoa ngày Tết mà AVAKids muốn gửi tới các chị em. Hy vọng rằng thông tin này sẽ hữu ích và giúp các chị em có thêm ý tưởng trang trí nhà cửa trong dịp Tết sắp đến. Để không gian ngày tết thêm ấm cúng, bạn có thể tham khảo thêm các dòng sáp thơm hoặc xịt phòng glade để giúp cho không khí ngày tết thêm tươi vui nhé.

Nguyệt Minh tổng hợp
Kiểm duyệt bởi Anh Thư